Phù thủy rất phổ biến ở Myanmar dù khả năng của họ vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Trong khi đó, các nhà giả kim rất hiếm gặp, và chuyện về họ thường được kể như truyền thuyết.
"Tôi có thể đọc được tương lai của cô và mọi người tôi gặp. Nhưng cô phải hứa sẽ tuân thủ giáo lý đạo Phật, trước khi tôi nói cho cô mọi thứ", thầy phù thủy U Aung Baung mỉm cười trong bóng đêm, sau lưng ông là ánh sáng lộng lẫy của ngôi chùa Shwedagon ở cố đô Yangon.
Người Myanmar tìm đến các weikzas - thầy phù thủy - để được chỉ bảo, từ cách chữa bệnh đến phương thức thăng tiến trong sự nghiệp. Thầy phù thủy ở Myanmar được cho là những người đạt được quyền lực nhờ tu hành các giáo lý của đạo Phật, nhờ vào bùa chú và cả thuật giả kim.
Phù thủy biết bay?
"Tôi thấy thật khó tin về sự tồn tại của họ. Nhưng tôi từng thấy họ làm những chuyện không lý giải nổi", một nghị sĩ ở Yangon cho biết, ông giấu tên vì sợ mang tiếng "mê tín" khi đề cập đến chuyện này.
Ngôi chùa Shwedagon ở cố đô Yangon của Myanmar. Ảnh: Alamy Stock
Những người khác thì dứt khoát hơn. "Tất nhiên, tôi tin vào phù thủy. Cả 3 lần tôi cầu nguyện, họ đều hiện ra trong tưởng tượng của tôi, và giúp tôi những quyết định quan trọng", một tài xế taxi cho biết.
Phù thủy từng có vị trí rất quan trọng trong xã hội Myanmar. Tiến sĩ Thomas Patton, chuyên gia về phù thủy tại Đại học Hong Kong, cho rằng truyền thống phù thủy hình thành từ thời người Anh đô hộ Myanmar (khi đó là Burma) vào thế kỷ 19. Các tu sĩ, thầy làng thời đó thi nhau gây ảnh hưởng lên người dân và tìm cách đẩy lùi ảnh hưởng của người Anh tại đây.
Trong các đền đài trên khắp đất nước, luôn có các weikza tazaungs - miếu thờ dành riêng cho phù thủy. Các phù thủy đến đây để thiền, trong khi người dân tìm kiếm họ để xin lời khuyên.
Phù thủy U Aung Baung ngồi ở miếu thờ tại chùa Shwedagon. Ngôi chùa lớn nhất Yangon này là nơi thu hút rất đông phù thủy lẫn người dân. U Aung Baung nói rằng ông 93 tuổi và đã bắt đầu quá trình tu luyện 37 năm nay.
"Để trở thành phù thủy, các anh phải tuân thủ giới luật nhà Phật, và thực hành một loại thiền định đặc biệt", U Aung Baung nói, tiết lộ thêm rằng "một số người trong chúng tôi thậm chí còn bay được".
Các phù thủy phải trải qua một quá trình tu luyện đặc biệt, với mục đích đạt đến Niết bàn. Ảnh: BBC
U Aung Baung đi khắp đất nước, cho người dân những chỉ dẫn linh thiêng khi họ cần, và nhận lại đồ ăn thức uống.
Sau khi luyện thành "chính quả", các phù thủy được cho sẽ trở thành bất tử, rời bỏ trái đất vả cả thân xác của mình để đến một vương quốc bí ẩn, từ đó nhìn xuống cõi người.
"Tôi không thể nói về sức mạnh của mình, nhưng tôi có thể tiết lộ mục tiêu của tôi. Đó là đạt đến Niết bàn, hoặc sự giải thoát", U Tin Naing, một phù thủy khác ở chùa Shwedagon, cho biết. U Tin Naing nói rằng ông 90 tuổi, dù bề ngoài của ổng chỉ khoảng 60.
Phù thủy U Tin Naing ở chùa Shwedagon. Ảnh: BBC
U Tin Naing đã cưới vợ và có hai đứa con. Không như các thầy tu, phù thủy có thể là nam hoặc nữ, có thể lập gia đình. Tuy nhiên, sau khi bắt đầu quá trình tu hành, họ phải sống thanh bạch và khổ hạnh.
U Tin Naing là một trong những phù thủy nổi tiếng về khả năng chữa bệnh và xua đuổi tà ma. Người dân sẽ gọi ông khi gia đình có người bị bệnh, và thuốc men hiện đại không thể giúp ích.
Huyền bí thuật giả kim
Bí ẩn nhất là các nhà giả kim. Họ dành cả đời mình tìm cách biến các kim loại thành vàng hoặc truyền cho kim loại một khả năng huyền bí để giao tiếp được với chủ của mình. Các phù thủy giả kim rất hiếm và không dễ được gặp họ.
"Ông ấy đọc một câu thần chú, và một viên đá thủy ngân xuất hiện trên tay tôi từ bình thủy ngân ông ấy đang cầm", một học giả người Pháp giấu tên kể lại.
"Sau khi về lại Paris, tôi đánh mất viên đá, và không gặp lại ông ta trong 4 năm sau đó. Nhưng nhà giả kim vẫn nói chính xác về nơi tôi đánh mất viên đá, và cho tôi một viên khác. Lần này nó xuất hiện trong chiếc ba lô khóa kín của tôi. Tôi chưa bao giờ hiểu được việc này. Ngay cả ở Myanmar, một số người vẫn nghi ngờ các phù thủy", nữ học giả kể lại, và đưa ra viên đá hình cầu màu bạc, kích cỡ như một đồng xu.
Đúng là nhiều người ở Myanmar không tin và phù thủy, họ coi đó là chỗ dựa dẫm của những người nghèo, ít học, nhưng không phải Phật giáo đích thực. Tuy nhiên, khi Myanmar mở cửa, các phù thủy xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông, và nhận thức của xã hội về họ cũng lớn thêm.
Trước năm 2013, hình ảnh và thông tin phù thủy về phù thủy bị chính quyền quân sự kiểm soát rất chặt. Sau khi đất nước mở cửa, các hướng dẫn hoặc sách viết về phù thủy trở nên phổ biến, họ được đề cập thường xuyên trên các chương trình tin tức, tạp chí...
Không chỉ người Myanmar, khách viếng thăm các phù thủy còn bao gồm các doanh nhân Trung Quốc. Họ đến đây tìm kiếm lời khuyên và cả vận may cho việc làm ăn của mình, tiến sĩ Patton cho biết.
EmoticonEmoticon