Chim bay cả đàn nhưng sao chẳng bao giờ đụng nhau. Vì sao vậy?

Các chuyên gia thuộc Đại học Queensland đã tìm ra cơ chế "tránh va chạm" của các loài chim khi bay theo đàn.

Di cư là một trong những cách để các loài vật duy trì sự tồn tại. Rất nhiều loài động vật như đại bàng, chim... đã có những cuộc di chuyển phi thường qua nhiều ngàn cây số, băng qua đại dương mênh mông hay sa mạc nóng bức để tới được điểm trú chân mới.

Nhưng đã bao giờ bạn thắc mắc rằng, cả đàn chim lên tới ngàn con kia đều tung cánh bay nhưng sao chúng không bao giờ "đụng" nhau chưa nhỉ?

Trong nghiên cứu mới được đăng tải trên tờ PLoS ONE, các nhà nghiên cứu từ Đại học Queensland 
đã tìm hiểu và công bố kết quả về vấn đề này.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, những chú chim đã tiến hóa qua hàng triệu năm và sở hữu những kỹ năng cần có để có thể tránh đụng độ với nhau.

Cụ thể, giới nghiên cứu đã xem xét 10 loài chim - trong đó chú trọng đến loài vẹt đuôi dài và budgies (chim yến phụng). Họ đã thả những chú chim ở hai phía của đường hầm và thực hiện 102 chuyến bay. Những máy quay được chuẩn bị kĩ lưỡng để ghi lại cuộc hành trình của những chú chim.


Kết quả cho thấy, ở cả 102 chuyến bay, không có bất cứ vụ va chạm hay tai nạn nào xảy ra. Không những thế, những chú chim đều có xu hướng tránh va chạm trực diện với nhau bằng cách luôn luôn rẽ phải, hoặc có trường hợp thì thay đổi độ cao nếu phát hiện thấy "chướng ngại vật" ở phía trước.

Tác giả của cuộc nghiên cứu Mandyam Srinivasan cho rằng, trong bối cảnh giao thông trên không ngày một đông đúc, phát hiện này sẽ mở ra những hướng đi mới trong công cuộc nghiên cứu hệ thống lái tự động cho máy bay có người lái hay không người lái.

Dù chỉ là một phát hiện nhỏ nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng, quy luật "bên phải" cùng với việc thay đổi độ cao tự động sẽ có ích nhiều trong việc áp dụng vào hệ thống lái tự động.


EmoticonEmoticon