Tiến Luật: 'Nếu không cưới Thu Trang, chắc giờ tôi vẫn lông bông'

Tiến Luật: 'Nếu không cưới Thu Trang, chắc giờ tôi vẫn lông bông'

Tiến Luật thừa nhận anh chịu ảnh hưởng từ vợ trong sự nghiệp diễn xuất, đồng thời trải lòng về quá trình vào nghề gian khó.

Tên Tiến Luật luôn xuất hiện cùng Thu Trang trên các sân khấu, gameshow. Anh nghĩ sao khi nói anh được khán giả biết đến là nhờ danh tiếng của vợ?

- Tôi không phủ nhận chuyện tôi có xuất phát điểm thấp hơn Trang rất nhiều. Khi tôi còn là thằng phát tờ rơi của sân khấu Nụ Cười Mới, Thu Trang đã là đào chính. Tôi vào nghề không qua trường lớp đào tạo nghệ thuật nào, thậm chí, chật vật mãi mới lấy được bằng tốt nghiệp THPT, trong khi Trang học hành bài bản trong trường Sân khấu Điện ảnh. Nếu không phải là chồng của Thu Trang, chắc tôi không được khán giả biết nhiều như ngày hôm nay.

Tuy nhiên, được như ngày hôm nay từ một thằng không tiếng tăm, tôi cũng phải "trầy da tróc vẩy".

tien-luat-neu-khong-cuoi-thu-trang-chac-gio-toi-van-long-bong
Diễn viên hài Tiến Luật và con trai. 

- Ngoài công việc, điểm nào của Thu Trang thu hút anh?

- Trước khi đến với Trang, tôi cũng quen cô này, cô kia, nhưng là kiểu tình yêu có cũng được, không có cũng chẳng sao. Tới khi yêu Trang, dù trong bảy năm quen và yêu nhau, chia tay đến cả trăm lần, tôi vẫn thấy không thể rời xa cô ấy. Ngoài tài năng, Trang thuyết phục tôi nhờ lòng hiếu thảo và sự quan tâm của cô ấy dành cho gia đình. Từ khi yêu Trang, tôi bắt đầu biết tiết kiệm tiền, biết xoay sở đủ công việc để gia tăng thu nhập lo cho tương lai sau này. Một người dở tính toán như tôi cần có chỗ dựa là người biết lo toan như Trang. Khi lấy nhau về, trải qua nhiều biến cố, chúng tôi càng hiểu và thương nhau hơn.

- Vợ anh cũng từng chia sẻ thời gian truân chuyên với nghề. Hai người đã cùng nhau vượt qua thế nào?

- Đến tận năm 2013, hai vợ chồng tôi vẫn lận đận dù lúc đó Trang đã có tiếng và được mời tham gia nhiều phim điện ảnh. Thời kỳ đó, khi công việc vừa phát triển, dành dụm được ít tiền chúng tôi đầu tư mua nhà, hùn vốn mở công ty nhưng bị lừa mất sạch. Hai vợ chồng từng túng thiếu đến mức Trang nhắn về mua hộp sữa cho con, tôi trốn luôn không về nhà vì không có tiền.

Dần dần chúng tôi làm lại, tiếp tục dành dụm, tích lũy. Thay vì mua đồ hiệu, vợ tôi dùng số tiền đó để lo cho gia đình. Cô ấy luôn cho rằng việc sắm một chiếc túi giá vài chục triệu là hành động xa xỉ. Chính những đức tính đó của Trang khiến tôi yêu và trân trọng vợ mình hơn.

- Từ một diễn viên tay ngang, anh làm thế nào để theo đuổi nghệ thuật?

- Tôi xuất thân từ phong trào văn nghệ quần chúng, tham gia sinh hoạt tại nhà văn hóa quận Tân Bình, TP HCM. Khi 18 tuổi, tôi rất nhút nhát, bạn bè liền động viên tôi ghi tên vào đội kịch của nhà văn hóa để tăng thêm sự dạn dĩ. Khi tôi đi thi, bước ra sân khấu là khán giả cười rần rần, lại có giải mang về nên tôi rất hứng thú. Đang lúc nhen nhóm đam mê thì tôi được gọi đi nghĩa vụ quân sự.

Sau 18 tháng trở về, lửa nghề đã nguội, đội văn nghệ nhà văn hóa chuyển thành đội múa rối, hoạt động theo thời vụ. Đúng lúc đó gia đình tôi phá sản, tôi không biết làm gì để kiếm tiền phụ giúp gia đình thì được thầy Hoàng Duẩn gọi về sân khấu kịch Sài Gòn. Tôi đóng vai quần chúng, nhắc thoại, đi phát tờ rơi một thời gian dài.

Thời gian sau thầy Duẩn giới thiệu tôi sáng nhóm tấu hài của diễn viên Mai Sơn - Kiều Linh. Hợp tác được bốn năm, tôi chuyển qua nhóm của anh Vũ Thanh. Đến khi yêu Trang và kết hôn, chúng tôi mới tách ra hoạt động độc lập như hiện nay. 

- Anh được và mất gì khi theo đuổi nghiệp diễn?

- Nếu ngày đó không theo các anh chị đi tấu hài, diễn kịch dài, tôi không biết mình có thể làm công việc gì để kiếm ra tiền nuôi bản thân. Nghề diễn đã cho tôi rất nhiều. Từ một chàng trai nhút nhát, tôi có thể mở miệng nói với các đàn anh rằng: "Anh, chị có việc gì cần phụ thì cho em một cơ hội". Tôi cũng biết quý trọng đồng tiền hơn. Từ chỗ một tuần tôi có thể tiêu của bố mẹ hai triệu đồng (ở thời điểm năm 2001) đến chỗ chấp nhận mặc trên mình những chiếc áo sơ mi giá 25.000 đồng mẹ tôi mua ngoài chợ. 

Có những kỷ niệm tôi ghi nhớ mãi vì nhờ có nó, tôi mới là một Tiến Luật trưởng thành như ngày hôm nay, biết yêu thương và trân trọng gia đình mình. Ngày đó tôi chỉ mơ ban ngày được đi phát tờ rơi cho sân khấu, buổi tối được đóng vai quần chúng. Thù lao phát tờ rơi một ngày được 50.000 đồng, rủi hôm nào công an bắt xe vì đi ngược đường, tôi bỏ xe lại, chạy bộ gần chục cây số về sân khấu kịch Sài Gòn xin thầy Duẩn 100 nghìn đi nộp phạt. Tôi luôn nhắc mình không quên những ngày tháng đó để sống ngày một tốt hơn. 

tien-luat-neu-khong-cuoi-thu-trang-chac-gio-toi-van-long-bong-1
Gia đình hạnh phúc của vợ chồng Thu Trang - Tiến Luật. 

- Anh chia sẻ gì với những nhóm hài trẻ xuất hiện ngày càng nhiều?

- Tôi vào nghề từ năm 2003, trải qua hơn 10 năm mới được khán giả quen mặt, nhớ tên và có thu nhập ổn định. Với các em diễn viên trẻ, nghe ai than khó khăn, khổ sở là tôi thấy bức xúc. Bây giờ các bạn có quá nhiều cơ hội để làm nghề chứ chưa nói đến nổi tiếng. Hết gameshow này đến gameshow khác, sân khấu, sự kiện đâu đâu cũng có... Không diễn nơi này bạn có thể diễn nơi khác. Thời kỳ của chúng tôi chỉ có diễn sân khấu, quán bar rồi đi tỉnh diễn cho các trại cai nghiện. Tôi luôn nói với diễn viên trẻ rằng các bạn chưa trải qua cảm giác đang hóa trang mà có tới 500 học viên cai nghiện nhìn mình, phải diễn sao, nói sao cho họ thấy vui vẻ, hài lòng. Các bạn cũng chưa trải qua cảm giác khán giả không cười, ném chai ném đủ thứ lên sân khấu...

Trong nghề này, ngoài đam mê, tài năng, cần phải lễ phép với các anh chị lớn. Tôi nhớ một lần anh Hoài Linh đứng mua bánh mì, nhìn qua bên kia đường thấy anh Mai Sơn. Anh Linh mừng rỡ gọi to rồi chạy qua ôm anh Sơn và nói: "Em chào anh Mai Sơn, em mua bánh mì bên kia"... Lúc đó anh Linh đã là "ông vua làng hài" nhưng vẫn lễ phép với đàn anh như vậy. Còn các em bây giờ ít ai học được điều đó.


EmoticonEmoticon