“Rửa mặt” tưởng như là một việc không thể nào đơn giản hơn nữa, nhưng đối với những cô gái, đây lại là nền tảng cho một diện mạo đẹp nhất.
Bạn có thể là một cô nàng giản dị đến mức không bao giờ trang điểm, nhưng việc rửa mặt hàng ngày chính là một nhiệm vụ cơ bản mà bạn không thể nào bỏ qua. “Rửa mặt” tưởng như là một việc không thể nào đơn giản hơn nữa, nhưng đối với những cô gái, đây lại là nền tảng cho một diện mạo đẹp nhất.
Giống như câu “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”, làn da sạch sẽ cũng giúp bạn tự tin hơn với các kiểu trang điểm của mình, và cũng là bước đầu tiên của mọi quá trình dưỡng da. Nếu rửa mặt đúng cách, bạn còn có thể dưỡng ẩm, giữ da không bị khô nẻ, thậm chí còn làm chậm quá trình lão hóa. Vậy rửa mặt thế nào là đúng, thế nào là sai?
1. Sữa rửa mặt hay sữa tẩy trang?
(Ảnh: visagedelayla)
Không bao giờ được coi sữa rửa mặt là sữa tẩy trang. Bạn luôn luôn phải tẩy trang sạch sẽ trước, rồi sau đó mới dùng sữa rửa mặt. Kể cả bạn có dùng loại sữa rửa mặt được quảng cáo là kiêm cả tẩy trang, thì bạn cũng không thể chắc chắn rằng nó có thể rửa sạch các loại kem che khuyết điểm, kem nền, đặc biệt là các loại kem lót làm mịn da, vì chúng có thể chứa silicon bám khá sâu vào lỗ chân lông.
Bạn cần dùng sản phẩm tẩy trang riêng, không chỉ cho vùng môi và má, mà còn nhớ phải lau sạch, thật kỹ ở vùng khóe mũi, vì đây là nơi cặn trang điểm bám lại khá nhiều. Sau khi tẩy trang xong, hãy tráng qua bằng nước ấm, rồi mới bắt đầu dùng sữa rửa mặt, giúp làm sạch các lớp dầu tẩy trang nhờn dính, làm sạch bụi bẩn, bã nhờn trên da, đảm bảo da sạch sẽ, lỗ chân lông thông thoáng, da không bị dị ứng, nổi mụn.
2. Rửa mặt 1 lần hay 2 lần?
(Ảnh: nymag)
Rửa mặt quá ít sẽ làm da không đủ sạch, nhưng rửa mặt quá nhiều có thể làm khô lớp dầu tự nhiên trên da, từ đó da bị khô nẻ, thậm chí mất cân bằng độ pH và dễ nổi mụn hơn. Với những người có da dầu, bạn chắc chắn phải rửa mặt 2 lần mỗi ngày, vào buổi sáng và buổi tối.
Đối với những người có da khô hoặc da nhạy cảm, bạn chỉ cần dùng sữa rửa mặt vào buổi tối, còn buổi sáng có thể dùng cần dùng khăn lau mặt cho tươi tỉnh. Tuy nhiên, dù là da dầu hay da khô, bạn luôn phải rửa mặt sau khi đổ mồ hôi hoặc khi phải tiếp xúc với khói bụi, ví dụ như khi vừa tập thể dục xong, hoặc khi vừa vô tình đi qua công trình xây dựng.
Nếu không tiện rửa mặt ở nơi công cộng, bạn có thể chuẩn bị sẵn giấy ướt không chứa cồn để lau mặt sau một cách nhanh chóng, hoặc xịt một lớp xịt khoáng lên da rồi lấy bông tẩy trang lau đi.
3. Rửa mặt nước nóng hay nước lạnh?
(Ảnh: femalemag)
Rất nhiều cô gái cho rằng nước nóng là kẻ thù của làn da, khiến lỗ chân lông bị giãn nở, và họ luôn trung thành với nước lạnh để làm se khít lỗ chân lông. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, lỗ chân lông bị giãn nở hay se khít không phụ thuộc hoàn toàn vào nhiệt độ, mà còn vào độ thông thoáng hay bít tắc.
Đúng là không nên rửa mặt bằng nước quá nóng, vì có thể làm khô hết lớp dầu tự nhiên trên da, khiến da bị khô nẻ. Thế nhưng, hơi nước nóng lại rất có lợi cho da, giúp làm sạch sâu hết bã nhờn và bụi bẩn bên trong lỗ chân lông. Vì vậy, bạn có thể yên tâm rửa mặt với nước ấm, tốt nhất là nên rửa mặt trong khi tắm.
4. Sữa rửa mặt dạng kem hay dạng bọt?
(Ảnh: popsugar)
Nếu da bạn là da dầu, bạn có thể dùng sữa dạng bọt để tạo cảm giác da sạch sẽ hơn, còn với những người có da khô thì có thể dùng sữa dạng kem, ít bọt, có bổ sung thêm glycerin hay bơ hạt mỡ (shea butter). Thế nhưng, hãy nhớ rằng đây chỉ là vấn đề cảm giác thôi, còn điều quan trọng thực sự chính là thành phần trong các tuýp sữa rửa mặt.
Tốt nhất, khi đọc mục “Thành phần”, bạn nên tránh xa các loại sữa rửa mặt có chứa hương liệu (fragance) và paraben, là hai thành phần dễ gây kích ứng. Ở Việt Nam, sữa rửa mặt không chứa hương liệu không dễ mua, nên bạn có thể chọn loại sữa rửa mặt có ghi “fragance” ở cuối cùng trong danh sách thành phần, có nghĩa là chứa hàm lượng thấp nhất.
5. Sữa rửa mặt có hạt để tẩy tế bào chết?
(Ảnh: ashleyneese)
Bạn không nhất thiết phải lựa chọn các loại sữa rửa mặt có hạt để tẩy tế bào chết theo kiểu vật lý, mà chỉ cần chọn sữa rửa mặt có chứa thành phần là “acid salicylic” hoặc “acid glycolic”. Đây là những chất có khả năng tẩy tế bào chết hóa học dịu nhẹ, và hiệu quả hơn tác động vật lý của dạng hạt.
Cả hai loại acid này cũng có tác dụng ngăn ngừa mụn và chống lão hóa, có thể sử dụng 3-4 lần mỗi tuần, với chi phí không quá đắt đỏ, cũng khá tiện dụng, không làm bẩn nhà tắm.
6. Có nhất thiết phải dùng nước cân bằng da sau khi rửa mặt?
(Ảnh: langelir)
Nước cân bằng da (toner) có khả năng làm dịu da, cân bằng độ pH. Nếu sau khi rửa mặt, bạn cảm thấy da có vẻ khô, hoặc vẫn bị bóng dầu, thì có thể dùng thêm nước cân bằng da. Nhưng nếu bạn cảm thấy da đã đủ sạch sẽ, ẩm mịn sau khi rửa mặt, thì hoàn toàn có thể bỏ qua bước này. Thậm chí, nếu bạn dùng nước cân bằng da chứa nhiều cồn, thì da bạn còn dễ bị khô và kích ứng hơn. Vì vậy, hãy ưu tiên các loại nước cân bằng da dịu nhẹ, chứa thật ít cồn.
7. Có nên dùng cọ rửa mặt?
(Ảnh: alibaba)
Thực chất, cọ rửa mặt là một dụng cụ rất hữu ích, có thể làm sạch bã nhờn, bụi bẩn, tế bào chết mà vẫn dịu nhẹ hơn các loại hỗn hợp tẩy tế bào chết. Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng cọ rửa mặt hàng ngày, mà chỉ cần dùng khoảng 2 lần mỗi tuần. Điều quan trọng không được quên là luôn phải rửa sạch sẽ và phơi cọ rửa mặt thật khô để tránh nhiễm khuẩn.
8. Có cần dùng sữa rửa mặt đắt tiền?
(Ảnh: catsandvodka)
Bạn có thực sự cần thiết phải đầu tư mua một tuýp sữa rửa mặt có chứa những chiết xuất quý giá như nhớt ốc sên hay tinh chất nhân sâm hay không? Câu trả lời là không, vì những tinh chất này chỉ có tác dụng khi được thẩm thấu sâu vào trong da, nên bạn có thể chọn những sản phẩm dưỡng như serum hay mặt nạ. Còn với sữa rửa mặt, bạn chỉ cần chọn theo tiêu chí “làm sạch” và “không kích ứng” là được rồi.
EmoticonEmoticon